Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra sự bùng nổ các mô hình kinh tế mới được kích hoạt bởi công nghệ, đòi hỏi cấp bách nguồn nhân lực thích ứng với CMCN 4.0. Do vậy, các trường đại học phải nhanh chóng chuyển đổi để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trên. Đó chính là sự chuyển đổi từ mô hình trường học truyền thống sang trường học thông minh.
Để bắt kịp với hơi thở của CMCN 4.0 Viện công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AITVN) hợp tác với Đại học Văn Lang và Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam tổ chức thành công hội thảo “Chuyển đổi số và đại học thông minh” cho gần 400 giảng viên và cán bộ nghiên cứu đến từ các chuyên ngành khác nhau của Đại học Văn Lang (VLU). Diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số và đô thị thông minh, TS. Phùng Văn Đông – Giám đốc AITVN, GS. TS Nguyễn Xuân Hoài – Giám đốc Viện Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động đào tạo và tư vấn về chuyển đổi số, đô thị thông minh, trường đại học thông minh mà AITVN và các đối tác chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Mục đích chính của hội thảo là nhằm trả lời câu hỏi chuyển đổi số tác động như thế nào đến quá trình chuyển đổi và xây dựng mô hình đại học thông minh, lộ trình và điều kiện chuyển đổi số để xây dựng đại học thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 và nền kinh tế số.
Tại hội thảo các chuyên gia đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, cơ hội và thách thức và một số ví dụ điển hình. Hội thảo cũng giới thiệu về mô hình đô thị thông minh và trường đại học thông minh, những kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra. Chuyển đổi số và đô thị thông minh luôn song hành cùng Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data),và do đó đây cũng là những chủ đề được bàn luận trong hội thảo. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia và đô thị thông minh là một nhu cầu rất cấp thiết trong những năm tới. Tại đây, các chuyên gia khẳng định “tất cả chúng ta dù muốn hay không muốn vẫn đang và sẽ sống cùng AI, AI hiện hữu trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa”. Hiểu rõ về AI, điều kiện và lộ trình áp dụng AI, những khó khăn khi ứng dụng AI để có thể chuyển đổi thành công từ một trường đại học truyền thống sang mô hình đại học thông minh. Tuy nhiên, TS. Phùng Văn Đông nhấn mạnh “chuyển đổi số là một Quá trình, không phải đích đến và do đó nó đòi hỏi sự đổi mới liên tục”, nó không chỉ đơn thuần là vấn đề Công nghệ, mà còn là vấn đề Con người”, ở đây sự cam kết và quyết tâm của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp hay trường đại học đóng vai trò quyết định sự thành bại của chuyển đổi số.
Hội thảo khép lại nhưng để lại phía sau rất nhiều câu hỏi như làm thế nào để ứng dụng AI trong công tác dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy? Các bước cụ thể của lộ trình chuyển đổi sang Đại học thông minh? Làm thế nào để đưa AI vào từng ngành học cụ thể? Và các câu hỏi tương tự đối với Thành phố thông minh, Đô thị thông minh, Kinh tế thông minh, Chính phủ thông minh hay Chính phủ số… Đó cũng là những chuyên đề sẽ được đề cập sâu hơn trong các hội thảo sắp tới được tổ chức bởi AITVN và các đối tác chiến lược.